Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

TTH - Hơn 46% diện tích rừng toàn tỉnh được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là nguồn lực góp phần giảm thiểu mất rừng và nâng cao chất lượng rừng. Chính sách này cũng tạo điều kiện để các chủ rừng triển khai phương án bảo vệ rừng hiệu quả, phát triển sinh kế ổn định.

Nhiều hộ, nhóm hộ, cộng đồng được giao rừng ở A Lưới rất phấn khởi khi được chi trả DVMTR

Chi đúng

Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho rằng, nguồn tiền được chi trả DVMTR đảm bảo quản lý- bảo vệ rừng (QLBVR) được giao và nâng cao đời sống của người được giao QLBVR. Trong đó, tiêu chí QLBVR phải được ưu tiên hàng đầu.

Ngay sau khi chi trả tiền cho các chủ rừng nằm trong lưu vực có cung ứng DVMTR, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn, định hướng sử dụng nguồn tiền hợp lý. Gần 1.700 lượt học viên là cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ xã, ban quản lý rừng cộng đồng và nhóm hộ, hộ gia đình được tập huấn về quản lý, sử dụng tiền DVMTR.

Cộng đồng QLBVR 6 thôn ở xã Hồng Kim (A Lưới) đã dùng số tiền được chi trả phối hợp với các chương trình, dự án trồng cây bản địa như gõ, lim xanh, sao đen, sến, cây mây dưới tán rừng. Cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (Nam Đông) đã hình thành nhiều mô hình hay như trồng tre, mây, mít dưới tán rừng. Những hoạt động này giúp nâng cao chất lượng rừng và tạo nguồn thu bền vững.

Một số cộng đồng QLBVR khác sử dụng tiền DVMTR để chi trả ngày công cho người đi tuần tra, bảo vệ rừng hay lập quỹ phát triển rừng để hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Cộng đồng QLBVR thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) đã trích 18 triệu đồng cho 9 hộ vay vốn phát triển sinh kế.

Ông Đỗ Đình Khang, Trưởng cộng đồng QLBVR thôn Tân Mỹ cho hay, số tiền tuy không lớn, trung bình mức cho vay 2 triệu đồng/hộ trong thời hạn 1 năm với lãi suất thấp, nhưng đây cũng là động lực để các hộ thành viên tích cực quan tâm đến nhiệm vụ giữ rừng.

Tại xã Hồng Thượng (A Lưới) có 4 nhóm hộ cho các thành viên trong nhóm vay vốn để phát triển sinh kế. Trung bình mức cho vay từ 5-10 triệu đồng, với thời hạn vay 2 năm và lãi suất thấp hơn lãi suất của ngân hàng chính sách xã hội. Các hộ vay chủ yếu tập trung đầu tư, phát triển thêm các hoạt động sinh kế như cải tạo ao nuôi cá, trồng keo nguyên liệu, nuôi bò...

Động lực để giữ rừng hiệu quả

Theo ông Trần Quốc Cảnh, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác tuần tra, kiểm soát rừng được tăng cường, số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể. Nhiều mô hình phát triển sinh kế, QLBVR được hình thành và hoạt động rất hiệu quả. Đáng chú ý nhất là đã giải quyết được sinh kế cho những hộ được giao rừng cộng đồng theo Đề án 430 của UBND tỉnh.

Hiện cả tỉnh có hơn 32.000 ha rừng được giao cho cộng đồng quản lý. Với nguồn tiền được chi trả từ DVMTR cho khoảng 90% diện tích rừng được giao theo đề án là đòn bẩy để cộng đồng, nhóm hộ nhận giữ rừng tích cực quản lý bảo vệ, tái sinh rừng.

Ông Hồ Văn Than, đại diện cộng đồng QLBVR thôn 1, xã Hồng Kim (A Lưới) cho biết, tiền DVMTR chủ yếu được cộng đồng sử dụng chi hỗ trợ tuần tra, canh gác rừng với mức chi bình quân từ 150- 200 nghìn đồng/ngày đi tuần tra rừng. Cộng đồng cũng đã xây dựng quy chế thu chi cụ thể trong việc mua sắm dụng cụ, quần áo cho nhóm bảo vệ rừng, lập quỹ cộng đồng phục vụ tái sinh rừng, cho vay vốn phát triển sinh kế.

Đối với những đơn vị lâm nghiệp, đây là nguồn kinh phí đắc lực phục vụ hoạt động QLBVR, tăng cường thêm nhân lực QLBVR, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân sống gần rừng...

Từ tiền DVMTR, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) A Lưới đã tuyển dụng thêm được 73 người, Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa 26 người, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền 19 người, BQL RPH Sông Bồ 21 người, BQL RPH Sông Hương 12 người, Khu bảo tồn Sao La 15 người, BQL RPH Nam Đông 17 người... với mức lương bình quân từ 3- 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện chi trả từ năm 2014, đến nay tổng số tiền DVMTR đã thu, chi là 97 tỷ đồng từ các dịch vụ sử dụng DVMTR như thủy điện, nước sạch. Hơn 130.000 ha rừng/283.000 ha rừng trên toàn tỉnh đã được chi trả tiền DVMTR với mức chi trả hằng năm thay đổi tùy vào nguồn thu điện, nước và từng lưu vực.

Cụ thể, năm 2017, đơn giá chi trả DVMTR của các lưu vực là 297 nghìn đồng/ha, riêng lưu vực thủy điện A Lưới 450 nghìn đồng/ha. Năm 2016 có mức chi trả cao nhất 738 nghìn đồng/ha, trung bình 150 nghìn đồng/ha, thấp nhất 7,8 nghìn đồng/ha. Năm 2015 có mức chi trả cao nhất 646 nghìn đồng/ha, thấp nhất 100 nghìn đồng/ha. Năm 2014 có mức chi trả thấp nhất 53 nghìn đồng/ha, cao nhất 574 nghìn đồng/ha.

                                                          Trích nguồn: baothuathienhue.vn

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan