Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong số hơn 23,5 ngàn ha rừng, có đến hơn 21 ngàn ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), với kinh phí trên 7,354 tỷ đồng trong năm 2019, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện A Lưới trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong việc thực hiện chính sách này.

Lê Văn An ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ là một trong người biết rõ công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) hiệu quả hơn trong những năm gần đây. Từ khi rừng được giao khoán cho cộng đồng quản lý, được chi trả DVMTR, người dân thôn Cân Tôm có trách nhiệm, tâm huyết hơn trong bảo vệ rừng.

Cứ mỗi đợt tham gia tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), anh An đều nhận được kinh phí hỗ trợ 150 - 200 ngàn đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng đã giải quyết chi phí đi lại, động viên khích lệ tinh thần đối với anh An cũng như người dân địa phương trong công tác QLBVR.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương, lực lượng tham gia QLBVR chủ yếu là người dân địa phương có nhu cầu, nguyện vọng, đảm bảo sức khỏe, năng lực và tâm huyết. Từ sự hỗ trợ của DVMTR còn tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân giảm áp lực sinh kế dựa vào rừng.

Giám đốc BQLRPH huyện A Lưới, ông Văn Thân thông tin, trong số hơn 21 ngàn ha được chi trả DVMTR thuộc lưu vực các thủyđiện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới, ngay từ đầu năm đơn vị chủ động ký hợp đồng nguyên tắc và tiến hành giao, nhận trên thực địa số diện tích rừng cho các cộng đồng dân cư, các đơn vị quản lý, bảo vệ. Với tổng kinh phí hơn 7,354 tỷ đồng từ DVMTR, BQLRPH huyện A Lưới đã xét chọn và hợp đồng 58 người bảo vệ rừng chuyên trách, giao khoán cho 42 hộ, 3 cộng đồng dân cư và 1 hợp tác xã QLBVR.

Quá trình tham gia QLBVR, các tổ chức, người dân đã nắm bắt thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét, đẩy đuổi lâm dân trái phép ra khỏi rừng; phát hiện, xử lý kịp thời  nhiều vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, lấn chiếm rừng.

Các lực lượng còn kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ; năm 2019 không để xảy ra tình trang khai thác khoáng sản trong các khu rừng. Từ kinh phí DVMTR đã hỗ trợ xây dựng, đưa vào sử dụng có hiệu quả hơn 21km đường ranh cản lửa dọc Quốc lộ 49 và diện tích rừng trồng tại xã Hồng Vân.

BQLRPH A Lưới cũng đã trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác QLBVR, PCCCR trên địa bàn quản lý. Hệ thống thông tin liên lạc, sử dụng phần mềm Smart, máy tính bảng, máy định vị GPS, chòi canh lửa rừng, nhà làm việc… cho các đội bảo vệ rừng chuyên trách luôn được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư thay thế.

Theo ông Văn Thân, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên tuần tra, PCCCR trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời. Khi xảy ra đám cháy, phương châm “bốn tại chỗ, năm sẵn sàng” được triển khai thực hiện có hiệu quả nên trong năm 2019 chỉ để xảy ra 1 vụ cháy rừng lau lách với diện tích 3,3 ha, do đạn linh tinh phát hỏa. Các lực lượng tổ chức tuần tra với gần 3.500 lượt người tham gia, lập biên bản, xử lý 90 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép, giảm 30 vụ so với năm trước…
Lưu vực thủy điện Hương Điền với gần 16 ngàn ha được chi trả DVMTR, giao khoán cho các cộng đồng dân cư thôn Cân Tôm, Pa Hy, Pa Rinh - Cân Sâm thuộc xã Hồng Hạ trên 650 ha; Hợp tác xã dịch vụ Hương Phong 156 ha và các đơn vị QLBVR với khoảng 15.129 ha. Lưu vực thủy điện Bình Điền với diện tích chi trả DVMTR trên 2.858 ha, giao khoán cho ba nhóm hộ 19 người. Lưu vực thủy điện A Lưới với diện tích được chi trả 2.243 ha được giao khoán cho hai nhóm hộ với 23 người.

                                                                          Trích nguồn: BÁ TRÍ/Báo TT-H

 

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan