Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR đã được truyền tải đến từng người dân vùng nông thôn, miền núi. Theo đó, các hộ dân đã thay đổi nhận thức, tích cực tuần tra, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả DVMTR. Các cấp chính quyền đã quan tâm và tích cực chủ động cùng tham gia các nội dung liên quan đến công tác chi trả DVMTR.
Anh Nguyễn Lộc - Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) cho hay, từ khi được chi trả tiền DVMTR, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) được tổ chức thường xuyên, rừng được quản lý chặt chẽ. Ý thức người dân được nâng lên, năm nào cũng có hộ dân xin tham gia vào đội ngũ BVR. Tính đến thời điểm này, gần như 100% hộ dân trong cộng đồng đã tham gia lực lượng BVR của cộng đồng.
Ông Lê Văn Hợi - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (A Lưới) cho hay, ngoài việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, tổ chức họp báo cáo công tác QLBVR hàng tháng, chính quyền địa phương còn chủ động cùng với các chủ rừng xây dựng kế hoạch chốt chặn; cử thành viên trong nhóm trực tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng người dân vào rừng xâm hại và vận chuyển lâm sản trái phép.
Ông Hồ Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (A Lưới) chia sẻ, từ khi có chính sách chi trả DVMTR, công tác QLBVR của các cộng đồng thực sự đã có chuyển biến tích cực. Bà con có trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng, giữ nguồn nước, giữ sinh kế của mình. Giờ đây, trên những khu rừng của xã đã có chủ thực sự, giúp chính quyền xã thực hiện tốt hơn công tác QLBVR, nâng cao giá trị cảnh quan của rừng tại địa phương.
Theo A Viết Huy - Trưởng ban Quản lý rừng nhóm hộ ở xã Hồng Thượng (A Lưới), trên địa bàn xã có nhiều nhóm hộ trích nguồn tiền DVMTR để triển khai mô hình phát triển sinh kế, trung bình mức cho vay là từ 3-5 triệu đồng/hộ, với thời hạn vay là 2-3 năm, không lãi suất hoặc lãi suất thấp hơn lãi suất của ngân hàng thương mại. Các hộ được vay dùng nguồn tiền để mua giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm (nuôi cá, bò, lợn)… Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa cần có sự hỗ trợ, tập huấn thêm về kỹ thuật, phương pháp tổ chức thực hiện, quản lý sổ sách để phát huy hiệu quả sản xuất thực sự, đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng mô hình nhằm nâng cao giá trị nguồn tiền DVMTR.
Ghi nhận tại nhiều cộng đồng, thôn bản ở các xã như Phong Mỹ, Hồng Kim, Trung Sơn, Thượng Nhật, Thượng Lộ đã sử dụng có hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR cho các hoạt động chung của thôn, bản như mở cửa rừng, trích tiền cho ngày hội đại đoàn kết, mua sắm các trang thiết bị loa, đài phát thanh, máy tính, điện chiếu sáng… nhằm nâng cao giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng.
Theo thống kê từ các chủ rừng là tổ chức Nhà nước năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã giao khoán cho 15 cộng đồng (gồm 686 hộ gia đình tham gia), 32 nhóm hộ (gồm 412 thành viên) và 34 cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán QLBVR. Phần lớn trong số đó là người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ triển khai chính sách, thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân BVR từng bước cải thiện.
Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cùng với thu nhập khác như nhận khoán, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác QLBVR gặp khó khăn thì chính sách chi trả DVMTR đóng vai trò hết sức có ý nghĩa, giúp cho các chủ rừng tăng cường thêm nhân lực, vật lực QLBVR hiện có. Qua đó, góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng ở vùng rừng cung ứng DVMTR và các khu vực có nguy cơ bị đe dọa thông qua hệ thống các hoạt động lâm sinh.
Chính sách chi trả DVMTR không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân mà còn huy động được một nguồn nhân lực, vật lực lớn phục vụ cho công tác tuần tra, BVR thường xuyên. Từ đó, góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng ở vùng rừng cung ứng DVMTR và các khu vực có nguy cơ bị đe dọa thông qua hệ thống các hoạt động lâm sinh.
Năm 2023, thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA), tỉnh Thừa Thiên Huế được điều phối hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả. Số tiền này dự kiến chi trả cho hơn 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên. Đây là nguồn tài chính mới bổ sung quan trọng, góp phần hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, đầu tư các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng.
(Nguồn: baothuathienhue.vn)