Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 17/8, dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ tổ chức hội thảo tổng kết thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước. Hội thảo do ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp và ông Brian William Bean, Trưởng đại diện Tổ chức Winrock International tại Việt Nam - Giám đốc dự án VFD đồng chủ trì Hội thảo.

                                      Ông Đinh Viết Hồng phát biểu tại hội thảo


 
                                  Ông Brian phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nhằm tổng kết thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, hỗ trợ thông tin báo cáo, giải trình quy định chi trả DVMTR đối với cơ sở SXCN tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Việt Nam (VNFF); Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng; đại diện các Sở NN&PTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Cục thuế và đại diện một số cơ sở sản xuất công nghiệp các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Lào Cai và đại diện một số Quỹ BV&PTR tỉnh có tiềm năng triển khai loại dịch vụ này cùng một số tổ chức quốc tế, tư vấn khác.

Tại hội thảo, bên cạnh tham luận của các địa phương thí điểm, tư vấn đã trình bày đánh giá kết quả thí điểm DVMTR đối với các cơ sở SXCN tại 4 tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo báo cáo của tư vấn, số cơ sở SXCN ký hợp đồng ủy thác 44/51 đạt hơn 86% và số thu tiền DVMTR thực tế là hơn 1,7 tỷ đồng đạt 60,73% so với tiềm năng dự kiến thu. Kết quả thí điểm tương đối thấp so với tiềm năng dự kiến được tư vấn đánh giá là do chưa xác định được đối tượng, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, có sở sở đã thay đổi hoặc giải thể. Hiện tại, nguồn thu tiền DVMTR từ loại dịch vụ này được 4 tỉnh thí điểm sử dụng chi cho các nội dung khác nhau: sử dụng theo kế hoạch thu, chi tiền DVMTR được UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ các dự án BV&PTR, trồng cây được UBND tỉnh duyệt, điều tiết cho các chủ rừng tại lưu vực có mức chi trả thấp theo hướng dẫn tại Thông tư 22, hỗ trợ chi công tác tuyên truyền.

Mức chi trả đang được áp dụng tại 4 tỉnh thí điểm với 2 mức khác nhau là 35 đồng (Lào Cai), 50 đồng (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Qua khảo sát từ 72 phiếu khảo sát thì trung bình 87,5% đối tượng được hỏi đồng ý mức chi trả là 50 đồng.

Về đối tượng chi trả, trong Quyết định thí điểm của UBND các tỉnh đều xác định danh sách cụ thể các cơ sở SXCN có sử dụng nước từ nguồn nước là đối tượng phải chi trả DVMTR. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là cơ sở SXCN nên khi triển khai còn một số vướng mắc, ví dụ như Công ty CP Thực phẩm Sữa TH (Nghệ An) chưa xác định được là cơ sở SXCN hay cơ sở sản xuất nông nghiệp, hoặc Cty CP Đầu tư Vũng Áng, Hà Tĩnh chỉ cung cấp nước cho các cơ sở khác thì có thuộc đối tượng hay không. Việc xác định đối tượng là cơ sở SXCN hiện nay có thể dựa trên Quyết định số 486/TCTK/CN ngày 02/6/1966 của Tổng cục Thống kê ban hành bản quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp và bảng mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp, tuy nhiên không khả thi vì thiếu thông tin về quá trình sản xuất và các sản phẩm chính của các cơ sở SXCN. Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị không bắt buộc áp dụng chính sách chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN nhỏ sử dụng dưới 100m3/ngày nhằm (i) khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước, (ii) hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, và (iii) tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả thực thi chính sách.

Bên cạnh việc phân tích những kết quả đạt được trong quá trình thí điểm, báo cáo của tư vấn cũng đề cập đến đánh giá tác động của việc thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN tại 4 tỉnh. Đối với kinh tế, trung bình chung 4 tỉnh, tiền chi trả DVMTR chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 0,005387% so với doanh thu của cơ sở SXCN và kể cả so với lợi nhuận cũng rất thấp, chỉ 0,57876%. Thực tế, có 79,5% cơ sở SXCN được hỏi trả lời là việc chi trả tiền DVMTR có ảnh hưởng nhưng không đáng kể đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do mức chi trả rất thấp và được tính vào giá thành sản xuất, 12,8% cho là có ảnh hưởng đáng kể và 7,7% không trả lời.

Trong giai đoạn thí điểm, tiền DVMTR từ các cơ sở SXCN có sử dụng nước từ rừng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn thu DVMTR của các tỉnh tuy nhiên đã góp phần tăng thêm thu nhập của các hộ gia đình làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các lưu vực cung ứng DVMTR, tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các chủ rừng thực hiện công tác bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn, diện tích rừng được đảm bảo. Theo ước tính, nếu áp dụng chính thức chính sách này cho phạm vi cả nước thì với nguồn thu 65 tỷ đồng/năm có thể chi trả cho việc bảo vệ 216.667 ha rừng với mức 300.000 đồng/ha/năm. Đây là một nguồn lực đáng kể hỗ trợ cho công tác BV&PTR.

Về mặt xã hội, qua khảo sát, có đến 76,9% các cơ sở SXCN là người sử dụng dịch vụ và phải chi trả tiền DVMTR cho rằng việc chi trả tiền DVMTR là bảo đảm công bằng xã hội giữa người sử dụng DVMTR (sử dụng nước) và người cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời 66,7% những người được hỏi cho rằng việc chi trả tiền DVMTR giúp các cơ sở SXCN sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn; tuy nhiên, cũng có 12,8% số người được hỏi cho rằng việc chi trả DVMTR sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và 20,5% không trả lời câu hỏi này.

Qua đó cho thấy, ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR về mặt kinh tế không chỉ ở mức độ đóng góp về nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn là ở tính bền vững của nó trên cơ sở tự nguyện của các bên cung ứng và sử dụng DVMTR.

Song, tư vấn cũng chỉ ra trong quá trình triển khai thí điểm không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc như:

(i) Chi trả DVMTR đối với cơ sở SXCN có sử dụng nước từ rừng là hoàn toàn mới nên nhận thức của các bên liên quan còn hạn chế và chưa nhận được sự đồng thuận cao từ các bên sử dụng dịch vụ, một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn tiền DVMTR là một loại thuế/phí, hiểu đánh đồng với thuế bảo vệ môi trường hay phí cấp phép quyền khai thác nước mặt (23,1% số người được hỏi thuộc các cở SXCN có ý kiến này); hoặc chỉ áp dụng đối vơí nước mặt mà không áp dụng với nước ngầm là không công bằng;

(ii) Các cơ sở SXCN rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi chưa có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là SXCN nên việc xác định đối tượng phải chi trả gặp khó khăn.

   (iii) Các cơ sở SXCN có cách tiếp cận nguồn nước rất khác nhau như khai thác trực tiếp từ nguồn nước mặt, hoặc nước ngầm; mua nước qua công ty nước (Công ty nước sạch, Công ty thủy lợi,..); sử dụng nước tuần hoàn,… đòi hỏi phương pháp xác định lượng nước sử dụng thực tế khác nhau để đảm bảo khách quan, chính xác và thuận lợi khi thực hiện.  

                           Đại diện công ty Apatits Lào Cai phát biểu ý kiến

Mặc dù thời gian thí điểm rất ngắn, nhưng đã đạt được các kết quả quan trọng bước đầu như xác định được cơ chế chi trả, mức chi trả, đối tượng chi trả, phương thức chi trả, quản lý và sử dụng tiền chi trả,…trở thành những bài học kinh nghiệm quý báu, làm cơ sở đề xuất nhân rộng kết quả thí điểm trong cả nước.


Thừa ủy quyền của lãnh đạo TCLN, ông Phạm Hồng Lượng đánh giá cao báo cáo nghiên cứu của tư vấn, có các ý kiến đa dạng, thiết thực từ nhiều góc nhìn đặc biệt từ các cơ sở SXCN. Quỹ BV&PTR Việt Nam, TCLN sẽ ghi nhận, tiếp thu các góp ý tại hội thảo, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, làm cơ sở giải trình cho nội dung này trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.

                                                          Nguồn: BĐH VNFF

  

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan