Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng ngày 9/3, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2011 - 2016). Đến dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Quỹ  Bảo vệ và Phát triển rừng Lê Văn Thanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hồ Sỹ Nguyên. 

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban dân vận Tỉnh ủy, Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm cấp huyện; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, lãnh đạo UBND các xã, đại diện lãnh đạo của Tổ chức WWF Việt Nam, các Công ty, nhà máy thủy điện, cấp nước, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương đến theo dõi và đưa tin.

Mở đầu Hội nghị Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc và giới thiệu báo cáo Tổng kết 06 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2011-2016). 

  Chính sách chi trả DVMTR bắt đầu được triển khai thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2011, sau 6 năm triển khai, công tác chi trả DVMTR đã đạt được những kết quả tích cực. Với số tiền DVMTR đã thu, chi là 97,689 tỷ đồng đã góp phần quản lý bảo vệ hiệu quả hơn 120.000 ha rừng trên địa bàn tỉnh, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho hàng ngàn lao động vùng nông thôn, miền núi. Để có cơ sở cho việc chi trả tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành rà soát hiện trạng và chủ trừng của các lưu vực. Đến nay, đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 phương án chi trả DVMTR, gồm 14 phương án của các lưu vực thủy điện và 03 phương án của lưu vực nguồn nước. Diện tích rừng chi trả DVMTR được thực hiện tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy. Từ năm 2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thu, chi tiền trồng rừng thay thế cho các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đã thu được hơn 10 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế của 19 dự án xây dựng các công trình hạ tầng có chuyẻn mục đích sử dụng rừng. Việc chi trả  DVMTR đối với các đối tượng chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng luôn được thực hiện công khai, minh bạch.

 

Năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tập trung phối hợp, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện tốt việc thu nộp tiền theo đúng quy định, đảm bảo việc chi trả tiền kịp thời cho các chủ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ rừng, các đơn vị liên quan nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng tiền DVMTR đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tham luận, đóng góp ý kiến, đồng thời chỉ ra những tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

 

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; các Sở, ban ngành của tỉnh; các đơn vị chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung việc triển khai chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng là tổ chức, chính quyền địa phương các cấp, đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện rõ rệt qua từng năm, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong công tác chi trả DVMTR như: một số đơn vị còn chậm thanh toán, nợ đọng dẫn đến việc thực hiện chính sách gặp khó khăn; tiền DVMTR chỉ mới được sử dụng chủ yếu cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, việc đầu tư cho phát triển rừng có mặt còn hạn chế... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cần tập trung chỉ đạo các chủ rừng phải triển khai thực hiện hoạt động làm giàu rừng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp để đầu tư như mây, tre lấy măng, lồ ô, nuôi ong lấy mật, nuôi heo rừng. Đồng thời triển khai trồng cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác du lịch sinh thái...

Ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã quyết định tặng nhiều bằng khen và giấy khen cho các cá nhân và tập thể.

Quỳnh Chi

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan