Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 21/12/2017, tại Hà Nội, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF) phối hợp với Tổ chức WWF Việt Nam được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông qua Chương trình trọng điểm về môi trường các nước tiểu vùng sông Mê Công tổ chức Hội thảo tổng kết dự án ”Xây dựng, thí điểm khung Giám sát đánh giá chi trả  DVMTR và ứng dụng công cụ Webgis­­­­­­­­­­­ tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam”. Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả thực hiện dự án sau gần 1 năm xây dựng, triển khai, thí điểm về bộ công cụ thu thập dữ liệu, hoạt động, quản trị chi trả DVMTR bằng Webgis tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm giám đốc VNFF chủ trì hội thảo.

Đã có trên 70 đại biểu là đại diện của Tổng cục Lâm nghiệp, VNFF, Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cùng 13 Quỹ tỉnh khác và đại diện nhà tài trợ CEP/ADB Thái Lan, ADB Việt Nam, WWF, các tổ chức quốc tế liên quan.

Bộ chỉ số giám sát, đánh giá được nhóm tư vấn xây dựng thí điểm tại 2 tỉnh gồm 24 chỉ số trong đó có 15 chỉ số giám sát, 9 chỉ số đánh giá cho các tiêu chí về thể chế chính sách, chỉ đạo điều hành, kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ công cụ sử dụng để thực hiện công việc này gồm hệ thống mẫu biểu đánh giá Quỹ tỉnh và các chủ rừng (là tổ chức, nhóm hộ/cộng đồng) và webgis mà trên đó cơ sở dữ liệu dịch vụ môi trường rừng được cập nhật thường xuyên giúp việc theo dõi lộ trình tuyến tuần tra, tra cứu bản đồ chi trả dễ dàng, việc quản lý dữ liệu thông minh, nhanh chóng, chính xác, minh bạch, hiệu quả.

 Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VNFF

Khung giám sát, đánh giá và công cụ lựa chọn này cũng như ứng dụng mobile app trong tuần tra rừng đã được WWF phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tiến hành thử nghiệm, tham vấn ý kiến các bên liên quan và tập huấn, thí điểm tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức, nhóm hộ. Theo nhận định của WWF và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, qua các buổi tập huấn tại cộng đồng cho thấy: bằng việc tải sẵn các mẫu biểu về máy tính bảng, sau 1-2 buổi thực hành, đại diện của tổ tuần tra hoàn toàn có thể sử dụng thành thạo các thao tác trên thiết bị thông minh. Khi có đợt đi tuần tra rừng, nhóm tổ đội tuần tra sẽ mang theo máy tính bảng và thực hiện việc cập nhật các thông tin theo mẫu biểu có sẵn. Họ đánh giá rằng hệ thống khá đơn giản, công việc trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn vì việc cập nhật này hoàn toàn vẫn thực hiện được khi offline thông qua khả năng lưu trữ cục bộ, đến khi có internet (3G/wifi) thì dữ liệu được lưu giữ trong máy tính bảng đó sẽ được gửi về hệ thống quản trị webgis của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, thay vì họ phải lập báo cáo như trước đó thì nay Quỹ tỉnh chỉ cần trích xuất từ thông tin được gửi về mà vẫn đảm bảo độ chính xác, giúp giảm thủ tục báo cáo, chuẩn hóa quy trình báo cáo.

Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VNFF

Nhiều đại biểu cho rằng kết quả đạt được của dự án khá hay và thành công dù chỉ trong thời gian ngắn như vậy, đây bước đi đúng có thể hỗ trợ công tác chi trả DVMTR trong tương lai. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn rằng công cụ này nên được kết nối với số liệu của Kiểm lâm không? như vậy thì sẽ có ý nghĩa hơn khi Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT vừa được ban hành yêu cầu sử dụng bản đồ Kiểm lâm để hỗ trợ chi trả; kinh phí để mua sắm máy tính bảng cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân là không nhỏ mà trong khi không dám chắc về trình độ sử dụng công cụ của họ; phần mềm có nên kết nối và truy xuất tự động trên nền FORMIS không? và khả năng tự tổng hợp báo cáo như thế nào?

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi đánh giá cao hỗ trợ của dự án tại 2 tỉnh, bước đầu là thành công, đây là cơ sở tiền đề để mở rộng trên phạm vi cả nước và nên tiếp tục huy động hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và trong nước như CEP/ADB, VFD/USAID, PanNature…. Trong thời gian tới, kiểm tra, theo dõi cần gắn với chi trả DVMTR với dữ liệu của Kiểm lâm, nền dữ liệu cần dựa trên việc cập nhật diễn biến rừng hàng năm của Kiểm lâm; tiếp tục hoàn thiện các chỉ số giám sát, đánh giá dựa trên 24 chỉ số dự án đã phát triển để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, có thể bổ sung thêm chỉ số để phù hợp với các tỉnh, phục vụ công tác kiểm tra, nghiệm thu theo Thông tư 22 hướng dẫn. Riêng dữ liệu về hộ gia đình, cá nhân, cần có lựa chọn hộ gia đình làm ô định vị để xem diễn biến hàng năm.

Trong bối cảnh hiện nay khi mức chi trả đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng lên 36 đồng/kWh từ ngày 01/12/2017 có nghĩa là thu tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm sẽ tăng lên khoảng 1,8 lần so với hiện tại thì công tác kiểm tra, theo dõi, báo cáo trở nên rất quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Trích nguồn: VNFF

 

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan