Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Hiện nay, đã được thay thế bằng Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ). Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh nhà và mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng.

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các Ban Quản lý (BQL) rừng cộng đồng, nhóm hộ thôn/bản. Trong khi nhiều địa phương trong cả nước, triển khai việc giao rừng cho các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình phải thông qua các BQL rừng phòng hộ thì tại tỉnh Thừa Thiên Huế hình thức giao rừng được tiến hành giao trực tiếp cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 5.438 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng, gồm 355 chủ rừng là hộ gia đình và 5.083 hộ gia đình, cá nhân là thành viên của 292 Ban Quản lý Rừng cộng đồng, nhóm hộ, trong đó có 3.329 hộ là đồng bào thiểu số (Chiếm gần 70%).

Cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông là một điển hình trong sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tiền DVMTR trong công tác quản lý bảo vệ rừng gắn liền với phát triển các mô hình sinh kế. Năm 2018, BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi được chi trả hơn 200 triệu đồng, với diện tích được nhà nước giao quản lý bảo vệ 689 ha (từ năm 2011). Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, bên cạnh hỗ trợ cho công tác quản lý, chi cho mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra rừng, BQL còn trích ra một phần nhỏ kinh phí để cho 16 hộ thành viên vay vốn, với tổng số tiền 32 triệu đồng theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế như chăn nuôi gà, chăn nuôi cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối không chỉ chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình. Sau 4 năm triển khai mô hình phát triển sinh kế, đến nay BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi đã trồng được 21.000 cây mây, 500 gốc tre lấy măng, 2000 cây lồ Ô và 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên.

Là thành viên BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, anh Trần Văn Pháo với hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi được tiếp cận vốn vay từ nguồn chính sách chi trả DVMTR với số tiền 2 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, anh đã mua gà giống, thức ăn để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt. Từ 15 con gà giống đến nay đàn gà của anh đã phát triển lên 70 con, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa trung bình từ 15-20 con, trừ chi phí cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu không hề nhỏ đối với các hộ đồng bào dân tộc vốn điều kiện còn nhiều khó khăn ở huyện miền núi này.

Việc họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng và chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng đã trở thành hoạt động luân phiên hàng tháng của các tổ nhóm theo sự phân công của BQL. Đến rừng sâu, chị em phụ nữ thì hái măng, thanh niên trai tráng thì chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Qua đó, không chỉ giúp cho các thành viên trong BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi gắn bó với rừng hơn mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Đây là điều mà không phải cộng đồng nào cũng thực hiện được.

Cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật được nhà nước giao gần 290 ha rừng tự nhiên, với số thành viên tham gia quản lý là 90 hộ. Hàng năm được chi trả tiền chính sách DVMTR hơn 100 triệu đồng. Trong những năm qua, cùng với việc phối hợp với cán bộ Kiểm lâm địa bàn triển khai hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; ứng dụng công nghệ WebGIS kết hợp với máy tính bảng/Smartphone để kiểm tra giám sát công tác tuần tra rừng, bước đầu mang lại thành công lớn, BQL rừng cộng đồng thôn A Tin còn giám sát chặt chẽ việc sử dụng tiền DVMTR có đúng mục đích hay không, nhất là nguồn vốn vay phát triển sinh kế.

Tại BQL rừng cộng đồng A Tin, xã Thượng Nhật, bên cạnh việc tổ chức bình xét, thống nhất hộ thành viên nào được vay vốn, BQL còn đưa ra ý kiến nhằm thảo luận về định mức cho vay như thế nào là hợp lý để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ chính sách chi trả DVMTR trong xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế. Anh Ta Rương Đại và Trần Văn Đát là hai hộ thành viên được vay vốn phát triển sinh kế trong năm 2018, với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Với số tiền có được trong tay, đầu năm 2018 anh Trần Văn Đát đã tính ngay đến chuyện mua cây giống lâm nghiệp và phân bón để trồng rừng kinh tế. Đến nay, anh đã trồng được hơn 1 ha rừng keo, với gần 3.000 cây. Theo chu kỳ phát triển của cây keo thì sau 5 năm trồng mới có thể đưa vào khai thác, khi đó gia đình mới có nguồn thu. Tuy nhiên, với hình thức cho vay quay vòng, trong thời hạn một năm anh Đát cũng đã tính đến phương án bảo toàn và hoàn trả vốn vay cho các hộ thành viên trong năm tới. Với nguồn vốn này anh Ta Rương Đại thành viên BQL rừng cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật lại chọn mô hình chăn nuôi lợn thịt để đầu tư, nhằm nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, đầu tư cho con cái học hành. Theo anh Đại, đối với chăn nuôi lợn thì trong vòng 1 năm là gia đình có thể xuất chuồng bán và sớm hoàn trả nguồn vốn cho BQL chuyển sang hộ thành viên khác vay vốn để phát triển sinh kế, có như vậy mới tạo được sự bình đẳng trong các hộ thành viên.

Từ nguồn tiền chi trả DVMTR, ngoài việc sử dụng tiền chi trả chủ yếu để chi hỗ trợ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng (chiếm hơn 65%) với mức chi phổ biến từ 100.000-200.000đ/ngày công, thì có không ít cộng đồng đã họp bàn thống nhất trích một phần tiền chi trả DVMTR để cho vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình như: cộng đồng thôn Tân Mỹ, (huyện Phong Điền), cộng đồng thôn Tà Rá - Mú Nú, xã Hương Nguyên, cộng đồng thôn 2 xã Hồng Kim, nhóm hộ A Viết Huy xã Hồng Thượng, (huyện A Lưới)... Nguồn vốn cho vay, chủ yếu để các hộ gia đình mua con giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc, cây giống lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế.

Từ nguồn kinh phí DVMTR, đã có nhiều cộng đồng, nhóm hộ đã họp bàn thống nhất trích một phần tiền chi trả DVMTR để cho vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình như: xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Kim huyện A Lưới; xã Phong Mỹ huyện Phong Điền; xã Thượng Lộ huyện Nam Đông và xã Lộc Thủy huyện Phú Lộc. Với mức cho vay trung bình từ 3-5 triệu đồng/hộ, thời hạn vay là 1-2 năm với mức lãi suất thấp hoặc không tính lãi.

Với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý gần 1.500 ha, hàng năm 16 nhóm hộ tại xã Hồng Thượng được chi trả riền DVMTR hơn 735 triệu đồng, trong đó có 5/16 nhóm hộ đã thống nhất và quyết định trích một phần tiền DVMTR để cho các hộ thành viên vay vốn phát triển sinh kế. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có nhóm hộ trích ra 30 triệu đồng để cho 3 hộ vay theo hình thức quay vòng hàng năm. Đến nay đã có 9 hộ được vay vốn và xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi. Điển hình nhóm hộ anh Hồ Văn Khươi (gồm 14 thành viên) bảo vệ 137 ha rừng, với số tiền DVMTR được chi trả hàng năm trên 67 triệu đồng, trên cơ sở thành công từ những mô hình sinh kế của các nhóm hộ trong xã, năm 2018 anh Hồ Văn Khươi đã bàn bạc, thống nhất trích 10 triệu đồng để cho 2 hộ vay, với mức vay 5 triệu đồng/hộ để cùng với nguồn vốn gia đình mua bò giống để chăn nuôi.

Hoạt động phát triển sinh kế trong cộng đồng, nhóm hộ nhờ nguồn tiền từ việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sớm trở thành điểm sáng, lan tỏa mạnh, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong cộng đồng, nhóm hộ là một trong những điều nổi bật đáng ghi nhân làm cho nhận thức người dân đã có nhiều thay đổi sau khi tiếp cận được nguồn kinh phí DVMTR. Từ nguồn kinh phí này đã giúp cho các bên liên quan như chính quyền địa phương, kiểm lâm và người dân gắn kết nhau hơn. Đặc biệt, từ khi có chính sách DVMTR rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần ổn định diện tích, độ che phủ rừng. Đây còn là cơ hội chia sẻ gánh nặng trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, để nâng cao thu nhập cho các chủ rừng, hướng cho người dân biết cải thiện cuộc sống bằng các mô hình phát triển sinh kế từ nguồn chi trả DVMTR, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, từng bước thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

                                                                      Vương Hoa

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan