Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 6/6, tại thành phố Huế, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP/GEE SGP) phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phát triển sinh kế cộng đồng". Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và 50 đại biểu đến từ các các địa phương có Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm tốt của cộng đồng về sử dụng tiền chi trả DVMTR cho phát triển sinh kế bền vững để có thể nhân rộng ra nhiều nơi; đồng thời cần có những kiến nghị từ cộng đồng đối với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước để tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ những khó khăn trở ngại và tạo điều kiện để cộng đồng sử dụng tiền DVMTR cho phát triển sản xuất, tăng thu thập, cải thiện đời sống thông qua Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và là một trong 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011- 2015. Trong 7 năm (2012-2018), tổng số tiền chi trả cho hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư là 5.366 tỷ đồng, trong đó 1.824 tỷ đồng cho hộ gia  đình, cộng đồng dân cư là chủ rừng; 3.342 tỷ đồng cho hộ gia  đình, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi năm chi trả 766 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, với những nỗ lực trong thực hiện của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống, tác động sâu rộng đến xã hội, nhất là với đồng bào lâu nay gắn bó với rừng. Bên cạnh đó, chính sách chi trả DVMTR đã giúp người thực thi quản lý nhà nước về rừng và người dân có mối liên kết bền vững hơn thông qua việc cán bộ hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, giúp nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng lên.

Thông qua Hội thảo, những kinh nghiệm của các cộng đồng về sử dụng tiền chi trả DVMTR cho phát triển sinh kế sẽ được phát huy và nhân rộng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng hiệu quả tiền chi trả DVMTR vào đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững hơn, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 550 lượt chủ rừng đã nhận được hơn 130 tỷ đồng nguồn kinh phí DVMTR; trong đó, hơn 32,8 tỷ đồng được chi cho chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Đây là nguồn tài chính lớn, ổn định, góp phần tạo động lực cho việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng giao cho cộng đồng quản lý.

Năm 2018, với sự hỗ trợ của Chương trình các dự án nhỏ của Liên hiệp quốc, một số mô hình sinh kế của cộng đồng đã được hình thành và hoạt động, bước đầu đã đem lại tín hiệu tích cực, giúp các cộng đồng phát triển sinh kế bền vững.

                                                                              Nguồn: thuathienhue.gov.vn

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan