Đây là nỗ lực lớn của ngành lâm nghiệp tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và “Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020” theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý...
Ngành lâm nghiệp từng bước triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất năng suất cao, tăng tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ. Bước tiến trước tiên có thể thấy khi ngành lâm nghiệp tập trung nghiên cứu, chuyển giao thành công công nghệ sản suất giống trên cơ sở mô hình hiện có và tập trung nghiên cứu giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, ông Tôn Thất Ái Tín thông tin, thời gian qua, công ty đầu tư mở rộng nâng cấp thêm hệ thống nhà lưới, công suất nhà nuôi cấy mô lên 2 triệu cây giống/năm. Công ty đang hướng đến sản xuất các giống cây khác phục vụ nông nghiệp, dược liệu và hoa kiểng.
Cùng thời điểm, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 và Doanh nghiệp (DN) tư nhân Thảo Trang tổ chức sản xuất gieo ươm cây con chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng. Công ty TNHH MTV Vũ Minh sản xuất thành công cây con bằng túi bầu hữu cơ tự hoại theo dây chuyền cơ giới hóa, tự động hóa, đáp ứng nguồn giống phục vụ trồng rừng thân thiện với môi trường. Các giống mới, chất lượng của các đơn vị giúp nâng cao năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ thành rừng cao, góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, DN như Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đang tổ chức nghiên cứu, chọn tạo một số giống cây bản địa phục vụ chương trình tái cơ cấu giống lâm nghiệp như lim xanh, kiền kiền, chò, huỷnh, dầu rái, lát hoa, sến trung, cây ngập mặn… Số lượng, chất lượng nguồn giống từng bước đáp ứng yêu cầu, mục tiêu thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất của tỉnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thu hoạch gỗ rừng trồng ở Bình Tiến (TX. Hương Trà)
Từng bước câng cao chất lượng rừng
Nâng cao chất lượng rừng keo bằng phương pháp trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC đang được ngành lâm nghiệp triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm ngành lâm nghiệp. Tính riêng giai đoạn 2017-2020, năng suất bình quân rừng keo khoảng 90,78m3/ha, tổng sản lượng khai thác ước đạt 1,9 triệu m3, bình quân mỗi năm đạt gần 500 ngàn m3.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, chất lượng rừng trồng những năm gần đây có bước chuyển biến tích cực từ hoạt động trồng rừng bền vững, có chứng chỉ FSC. Gỗ rừng trồng từng bước đáp ứng nhu cầu các lĩnh vực chế biến xuất khẩu. Hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đang phát triển, nhất là công nghiệp chế biến xuất khẩu hàng mộc và chế biến nguyên liệu dăm gỗ xuất khẩu. Khai thác gỗ rừng trồng và chế biến lâm sản đóng góp lớn nhất vào giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp.
Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp thông qua sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ngành lâm nghiệp vận động, triển khai thực hiện chủ trương khuyến khích liên kết các chủ rừng hình thành mô hình hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV). Các địa phương và ngành lâm nghiệp khuyến khích các hình thức liên kết giữa DN chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC, gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh thành lập 25 HTXLNBV phân bố khắp các địa phương thuộc vùng trung du, miền núi trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời các HTXLNBV giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) hiệu quả hơn, hoạt động sản xuất lâm nghiệp trở nên bài bản và chuyên nghiệp; từ đó nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của ngành lâm nghiệp tỉnh.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, trong quá trình triển khai giải pháp phát triển rừng bền vững, dịch vụ môi trường rừng trở thành một trong những điểm sáng trong việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp và thực hiện giải pháp gia tăng giá trị từ rừng. Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao hiệu quả QLBVR, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực cho công tác QLBVR, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp. Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng tính riêng từ năm 2016-2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 200 tỷ đồng. Số tiền thu được này chủ yếu chi trả cho các chủ rừng, người dân QLBVR, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 5 năm tái cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp và các địa phương tổ chức trồng 5.250ha rừng tập trung, 600 ngàn cây phân tán, chăm sóc 18 ngàn ha rừng, QLBVR 311.300ha; diện tích rừng đặc dụng được bảo tồn trên 93 ngàn ha, rừng ngập nước 252ha… Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,4%...
Trích nguồn: Báo Thừa Thiên Huế