Hài hoà quyền lợi, trách nhiệm
Huyện miền núi Nam Đông là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, đến nay, huyện Nam Đông đã giao 6.700ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là rừng nghèo nên việc làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ giúp gắn lợi ích kinh tế với quản lý bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc.
Sau khi được giao đất rừng; các cộng đồng, nhóm hộ trồng thử nghiệm dưới tán rừng khoảng 100ha các loại cây dược liệu như: thiên nhiên kiện, ba kích tím, gừng gió… và hơn 600ha diện tích lâm sản ngoài gỗ là cây song mây. Tất cả các loại cây này đều cho giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc sinh sống ven rừng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rừng bền vững.
Nhóm bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có 52 hộ thành viên, được giao quản lý gần 60ha rừng tự nhiên hơn 10 năm nay. Hằng tháng, các tổ tuần tra sẽ thay nhau đi tuần trong khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại. Anh Phạm Văn Dương, thành viên bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng, nếu phát hiện có người vào chặt phá, khai thác trái phép hoặc lấn chiếm đất rừng tự nhiên, các thành viên sẽ ngăn chặn, ghi nhận hiện trường và thông báo cho cán bộ kiểm lâm cơ sở cũng như chính quyền. Qua đó, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa các vụ xâm hại rừng trên địa bàn.
Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng; nhiều cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng thôn/bản.
Nhóm cộng đồng bảo vệ rừng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) được Nhà nước giao quản lý bảo vệ gần 700ha là một điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn liền với phát triển các mô hình sinh kế. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn Dỗi chi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra rừng và đã trích ra một phần kinh phí để cho hàng chục hộ thành viên vay vốn theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế như chăn nuôi gà lợn, nuôi cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Việc này không chỉ chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình...
Anh Trần Văn Biên, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ cho biết, hằng tháng, các tổ nhóm họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng theo sự phân công. Các thành viên trong cộng đồng vừa chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Qua đó, không chỉ giúp cho các thành viên bảo vệ rừng gắn bó với rừng hơn mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.
“Từ khi giao rừng cho cộng đồng bảo vệ, quản lý; công tác tuần tra, kiểm soát rừng được tăng cường, số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể”, ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho hay.
Để sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR chi trả cho cộng đồng bảo vệ rừng, ngoài việc chi trả hỗ trợ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng với mức từ 100 – 200 nghìn đồng/ngày công thì không ít cộng đồng đã trích một phần tiền cho các hộ vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình như: cộng đồng thôn Tân Mỹ (huyện Phong Điền); cộng đồng thôn Tà Rá- Mú Nú, cộng đồng thôn 3 xã Hồng Kim, cộng đồng thôn 3 xã Hồng Thượng (huyện A Lưới)... Nguồn vốn cho vay, chủ yếu để các hộ gia đình mua còn giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc, cây giống lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Qua đó, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong cộng đồng…
Bên cạnh đó, các nhóm cộng đồng bảo vệ rừng và người dân được Công an cơ sở, Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên. Từ đó, người dân đã tự giác hơn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng được giao, cung cấp thông tin Công an, kiểm lâm địa bàn… để kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng.
Hỗ trợ sinh kế cho người dân
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững” ngày 8/9 vừa qua, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt trong thời gian qua của các cấp, các ngành về bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị gia tăng về nguồn lợi từ rừng, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội người dân; đơn vị đã và đang triển khai tiếp cận các chủ rừng, các cộng đồng dân cư và phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan về tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn nạn mua bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật nhằm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri cùng đại diện ban, ngành liên quan đã đề xuất nhiều vấn đề như: cần nghiêm cấm mọi hình thức thu hút săn bẫy chim trời để phóng sinh; có chủ trương và hỗ trợ ngân sách tiếp tục giao diện tích rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư tự nguyện xin nhận để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi; chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bản địa đa loài phải bảo đảm tính khả thi; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng...
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, cần nghiên cứu hỗ trợ giống cây làm giàu đất rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân và trồng rừng dược liệu dưới tán rừng, xây dựng một số mô hình tiên phong để triển khai mạnh cho toàn dân. Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội sớm có cơ chế, chính sách phù hợp hơn trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong thời gian tới.
(Nguồn: cand.com.vn)